Nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng: Một thời cầm súng, cả đời cầm bút
- 28/03/2024 18:03 CH
Hàng chục năm đã qua, song ký ức về một thời hào hùng chưa khi nào phai mờ trong tâm trí nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng.
Cuộc gặp gỡ với nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng diễn ra vào một chiều cuối tháng 3. Căn nhà nhỏ của ông nằm ngay trong một con ngõ nhỏ trên phố Văn Cao, đi bộ khoảng hơn trăm mét là ra tới Hồ Tây. Hàng chục năm đã qua, song ký ức về một thời hào hùng chưa khi nào phai mờ trong tâm trí ông.
Mùa hè năm 1966, khi đó 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Anh Dũng từ Nghĩa Lộ, Yên Bái vừa kết thúc năm học lớp 10 liền khăn gói xuống Hà Nội theo học khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp.
Nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng.
Cũng vào khoảng giữa năm ấy, giặc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Toàn quốc bước vào năm thứ 2 của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân do phía Mỹ phát động. Từng lớp thanh niên, sinh viên cùng hưởng ứng viết đơn xung phong tình nguyện ra chiến trường. Nguyễn Anh Dũng nằm trong số đó.
Tham gia huấn luyện cấp tốc tại Tây Bắc một năm, sau đó hành quân ra chiến trường, Nguyễn Anh Dũng trở thành lính thông tin của Tiểu đoàn 3 bộ binh thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.
Trung đoàn 174 là trung đoàn chủ lực chiến đấu trên các mặt trận của ba nước Đông Dương. Sau chiến thắng của chiến dịch Nậm Bạc năm 1968, trung đoàn rút về Tây Bắc, chỉ để lại một nhánh giữ điểm tại Lào là Tiểu đoàn 3 bộ binh ở lại phối hợp cùng bộ đội Lào làm nhiệm vụ. Chiến dịch đánh chiếm "Mắt thần Pa Thí" là trận đánh đáng nhớ trong đời quân ngũ của ông bởi sự khốc liệt khi toàn đội lên đường chỉ còn 2 người trở lại.
Năm 1975, trung đoàn nhận lệnh hành quân thần tốc, ăn Tết và sớm tổ chức hành quân bằng ô tô từ Nghệ An tiến đánh Buôn Mê Thuột. Trung đoàn 174 là đơn vị đánh mở màn trận Buôn Mê Thuột, cửa ngõ quan trọng tiến về trung tâm đầu não địch tại Sài Gòn.
"Trận đầu mở màn bao giờ cũng là trận cam go nhất bởi bộ đội ta khi ấy phải đối mặt với một đội quân của địch vẫn còn 100% sức mạnh và cực kỳ sung sức, hiếu chiến. Vì vậy, trước khi vào trận đơn vị đã phổ biến tinh thần cho anh em", ông chia sẻ.
Trong trận mở màn khốc liệt này đã có những tiểu đoàn thương vong hầu hết hoặc hy sinh toàn bộ. Những người lính chỉ một đêm trước vẫn còn mơ tới ngày độc lập trở về quê cưới cô gái cùng thôn đã không thể trở lại.
Cuộc tấn công thần tốc với trận mở màn như một đòn nốc ao với quân địch và mang theo khí thế cho đoàn quân tiến lên. "Kết thúc chiến tranh, tôi là trung úy, Chủ nhiệm thông tin, Trung đoàn 174. Nhưng lúc đó tôi xin ra quân để đi học tiếp", ông kể.
Ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Nguyễn Anh Dũng trở về trường đại học hoàn thành nốt ước mơ còn dang dở: theo đuổi con đường văn chương. Là một "tân binh" không có bất kỳ mối quen biết gì với giới nghệ sĩ điện ảnh nhưng khi làm luận văn tốt nghiệp, ông đã viết kịch bản "Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh".
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã đem kịch bản đầu tay và cũng là đề tài bảo vệ tốt nghiệp của mình đến Hãng Phim truyện Việt Nam, khi ấy là Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê để xin việc.
Trong cuộc gặp mặt với Xưởng trưởng xưởng III là đạo diễn Trần Vũ, ông đã giãi bày: "Cháu chỉ được đào tạo về văn học nhưng có say mê điện ảnh, có vốn sống chiến tranh. Nhờ các chú xem giúp nếu thấy có thể tạo điều kiện được thì cho cháu xin về, nếu không cũng xin cho cháu lời khuyên".
"Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh" được viết bởi những kinh nghiệm và vốn sống tích lũy từ những ngày còn trong quân ngũ nhưng cách tiếp cận của câu chuyện lại vô cùng mới lạ khiến lãnh đạo hãng phim khi đó ngay lập tức đồng ý và đánh công văn xin người về hãng. Phim do đạo diễn Vũ Phạm Từ cầm trịch.
Ông chính thức trở thành biên kịch của Hãng Phim truyện Việt Nam kể từ bộ phim đầu tay đó. Bộ phim khắc họa chân dung người lính bởi một tác giả là "lính thực chiến" nên khi bộ phim hoàn thành, đã gặp phải vô vàn khó khăn vì nó quá chân thực chứ không hề giống những bản báo cáo thành tích.
Cũng chính vì lý do đó mà phải mất tới 6 năm sau, bộ phim mới được công chiếu và đã gây được tiếng vang, chạm đến trái tim của những người lính thực thụ, những người yêu nước không màu mè.
Ông bùi ngùi chia sẻ: "Kinh nghiệm của người từng tham gia chiến trường nên khi viết kịch bản về đề tài chiến tranh, tôi không gặp khó khăn gì. Nhưng khi chúng ta nói lên sự thật, đôi khi người khác lại cho rằng "không phải" hoặc "chưa đúng". Kịch bản này nói lên bản chất của quân đội ta là "thắng không kiêu, bại không nản", trong lúc khó khăn nhất vẫn kiên quyết không đầu hàng. Đấy mới là bản chất của người lính cách mạng.
Nối tiếp sau đó là "Đêm miền yên tĩnh", đề tài hậu chiến do hai đạo diễn Trần Phương và Nguyễn Hữu Luyện đồng thực hiện. Phim đạt giải Bông sen Bạc trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VII (năm 1985).
Hai tác phẩm: "Cánh đồng chum gió hát" và "Sài Gòn 105 độ F" của Nhà biên kịch Nguyễn Anh Dũng.
Bộ phim "Những người viết huyền thoại" của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng do ông viết kịch bản cũng là một bộ phim đề tài chiến tranh giành nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ XVIII (2013) và đem về cho ông giải cá nhân Biên kịch phim xuất sắc nhất.
Trước đó, bộ phim "5 ngày trong đời một tướng" (đạo diễn Bùi Cường) mà ông chắp bút viết cũng lấy hình tượng nhân vật chính là câu chuyện về cuộc đời của thủ trưởng cũ của ông là Trung tướng Đào Trọng Lịch. Câu chuyện được xây dựng và tái hiện đan xen giữa cuộc sống hiện tại 5 ngày của vị tướng thời bình với quá khứ hào hùng thời chiến. Các phim truyện điện ảnh khác của ông cũng được sản xuất bởi Hãng phim truyện Việt Nam như: "Duyên nợ" đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện, "Mái trường yên tĩnh" đạo diễn Bùi Cường…
Không chỉ phim điện ảnh, ông còn lấn sân sang mảng phim truyền hình dài tập như: "Vị tướng tình báo và hai bà vợ", "Trò chơi sinh tử", "Đồng tiền đen", "Những mảnh vỡ phù hoa"..
Trong đó, bộ phim "Vị tướng tình báo và hai bà vợ" đã tạo nên thành công và dấu ấn trong lòng khán giả. Phim do đạo diễn Bùi Cường thực hiện, phóng tác theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Trần Thiết, lấy nguyên mẫu của vị tướng tình báo Đặng Trần Đức.
Từ những kinh nghiệm sẵn có cùng chất văn học của một người biên kịch lão luyện, bộ phim đã tái hiện một phần những nỗi đau thầm lặng, những hy sinh trong cuộc kháng chiến, đặc biệt là thân phận của những người phụ nữ trong thời loạn lạc. Phim đạt giải Huy chương Vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2003.
Gần đây nhất, khi thị trường phim bị chững lại, ông vẫn kiên trì với nghề viết. Hai tiểu thuyết mang tên "Cánh đồng chum gió hát" và "Sài Gòn 105 độ F" được Nhà xuất bản Quân đội phát hành là dấu ấn cho sự trở lại với con đường văn chương thuở ban đầu.
Đọc link gốc tại đây.