Lễ ký tuyên bố chung về triển khai kết nối Hệ thống trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (EODES)
- 27/06/2023 16:54 CH
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc từ ngày 22/6 đến ngày 24/6/2023, sáng 23/6/2023 tại Phủ Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Yoon Tea Sik - Cao ủy Hải quan Hàn Quốc đã ký tuyên bố chung về việc triển khai kết nối Hệ thống trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (EODES) kể từ ngày 01/7/2023.
Qua 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, kim ngạch thương mại hai chiều liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 500 triệu USD vào năm 1992 lên đạt mức gần 87 tỷ USD năm 2022 và kỳ vọng đạt 100 tỷ USD trong năm 2023.
Đóng góp cho kết quả đáng ghi nhận này không thể không kể đến vai trò của hai cơ quan hải quan, với đặc thù nhiệm vụ là cơ quan thực thi pháp luật, một mặt chúng ta phải thực thi việc kiểm soát hiệu quả dòng luân chuyển hàng hóa qua biên giới, đảm bảo tuân thủ thương mại và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm hải quan, mặt khác chúng ta cũng đồng thời phải tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp của các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng quốc tế.
Trong khuôn khổ Tiểu ban Hải quan và Xuất xứ hàng hóa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương đã ký kết Bản ghi nhớ triển khai hệ thống trao đổi thông tin xuất xứ điện tử (EODES) cuối tháng 10/2022 theo hình thức luân phiên.
Triển khai nội dung cam kết tại Bản ghi nhớ, các bên đã tích cực thực hiện công tác chuẩn bị để kết nối thí điểm vào tháng 4/2023 và kết nối chính thức vào tháng 7/2023.
Chiều cùng ngày, Đoàn Cao ủy Hải quan Hàn Quốc cũng đã có buổi hội đàm tại Tổng cục Hải quan. Tại buổi Hội đàm hai bên đã thống nhất một số nội dung hợp tác trong thời gian tới, cụ thể gồm:
Hợp tác trong chia sẻ thông tin và chống buôn lậu ma túy: Trên cơ sở Tuyên bố chung về kiểm soát ma túy mà Hải quan Việt Nam đã ký với Hải quan Hàn Quốc cùng với các nước Châu Á- Thái Bình Dương nhân Tuần lễ Hải quan Hàn Quốc tháng 4/2023, hai Bên sẽ hối hợp với để triển khai những nội dung tại Tuyên bố chung. Ngoài ra, hai bên sẽ tiếp tục ủng hộ và tham các chiến dịch về kiểm soát ma túy do Hải quan Hàn Quốc khởi xướng. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường phối hợp trao đổi thông tin nghiệp vụ về phòng chống ma túy giữa cơ quan Hải quan hai nước nhằm kịp thời ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả đối với hoạt động vận chuyển trái phép ma túy liên quan đến hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Hợp tác trong lĩnh vực doanh nghiệp ưu tiên: Nghị định thư sửa đổi Hiệp định hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan được ký kết tháng 12/2022 là cơ sở quan trọng cho việc ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên. Với sự nỗ lực của hai cơ quan việc đàm phán Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên sẽ sớm triển khai trong thời gian tới.
Tăng cường hợp tác để cùng đối phó với những thách thức trong hoạt động thông quan hải quan:Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp quản lý hải quan hiện đại như hải quan số, hải quan thông minh cũng như quản lý hải quan tại cảng biển, sân bay giúp triển khai Chiến lược Hải quan của Hải quan Việt Nam. Ngoài ra, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để đảm bảo hạn chế nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng và duy trì dòng chảy thương mại.
Tại buổi Hội đàm hai bên đã tổ chức Lễ công bố triển khai hệ thống trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ điện tử. Khi hệ thống được triển khai chính thức sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt gánh nặng cho nhà nhập khẩu mỗi nước khi phải chờ đợi bản giấy C/O gốc được gửi từ nước xuất khẩu và nộp cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu để hưởng ưu đãi thuế quan FTA.
Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay đang là “đối tác chiến lược toàn diện” của nhau trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vừa là trụ cột, vừa là động lực chính thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Một trong những nỗ lực nhằm tạo thuận lợi cho thương mại để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu là cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, Hệ thống trao đổi C/O điện tử được cho là một bước cải cách vượt bậc và quy trình thông quan hàng hóa được rút ngắn thông qua dữ liệu C/O điện tử.
Với những nỗ lực của hai bên, việc chính thức kết nối kể từ ngày 01/7/2023 là một trong những yếu tố quan trọng để thương mại hai nước có thể đạt được mục tiêu 100 tỷ đô la năm 2023 và 150 tỷ đô năm 2030.
Đọc bài viết gốc tại đây